Điện toán đám mây cho doanh nghiệp đã không còn là một khái niệm mới lạ mà đang trở thành công cụ hiệu quả của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Gartner, riêng trong năm 2013, hơn 60% DN trên thế giới đã triển khai một hình thức nào đó của điện toán đám mây. Dự báo đến năm 2016, hơn 25% các ứng dụng trên thế giới, tương đương với khoảng 48 triệu ứng dụng, sẽ được triển khai trên nền điện toán đám mây. Chính nhờ có đám mây mà khách hàng có thể truy cập vào kho dữ liệu âm nhạc mỗi ngày, xem phim trực tuyến trên máy tính bảng, mua bán qua mạng, hay chơi game trực tuyến…
Với các DN nhỏ và vừa, những hạn chế trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rào cản lớn trong việc hiện thực hóa tầm nhìn và các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Điện toán đám mây chính là lời giải cho các DN quy mô nhỏ và trung bình để có thể hoạt động với hiệu quả và năng suất cao hơn, tiết kiệm hơn, mang lại giá trị cao hơn trong thời gian ngắn hơn.
Đơn cử, một công ty xây dựng kỹ thuật thường mất hai tuần để chạy các phép mô phỏng cho một dự án thi công trên các máy chủ vật lý do DN sở hữu. Công ty này rất muốn nâng cao tốc độ xử lý công việc, nhưng việc đầu tư để mua thêm sức mạnh điện toán có vẻ không phải là một lựa chọn hiệu quả, vì những dự án quy mô lớn như vậy không phải lúc nào cũng xuất hiện.
Thay vào đó, công ty đã chuyển các hoạt động mô phỏng lên mô hình điện toán dựa trên đám mây, mua thêm sức mạnh xử lý cao hơn gấp mười lần so với năng lực điện toán hiện tại trên các máy chủ vật lý của công ty, và chỉ phải trả tiền cho thời gian mà công ty thực sự sử dụng tài nguyên xử lý đó. Thời gian cần thiết để công ty chạy các phép mô phỏng giảm từ hai tuần xuống còn hai ngày.
Công ty thứ hai thường định kỳ ba năm một lần nâng cấp toàn bộ hệ thống máy tính để bàn với chi phí không nhỏ. Và rồi một năm, công ty này quyết định không mua sắm thường xuyên các thiết bị công nghệ thông tin (IT) nữa, mà đầu tư vào một hệ thống máy chủ, phần mềm và các thiết bị mạng để xây dựng một môi trường điện toán đám mây riêng.
Vì dữ liệu và các ứng dụng giờ đây được xử lý trực tiếp “trên mây” chứ không phải là trên máy tính của người sử dụng, công ty có thể trì hoãn việc nâng cấp máy tính, kéo dài tuổi thọ của các thiết bị hiện có và tăng cường mức độ tiết kiệm lũy tiến, trong khi người dùng vẫn có được hiệu suất tốt hơn và mức độ bảo mật cao hơn.
Hai công ty này có một điểm chung: Họ đã sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho doanh nghiệp để trở nên hiệu quả hơn, tạo ra giá trị mới và cộng tác với nhau theo những cách mới. Họ có thể tập trung công sức vào việc xây dựng các năng lực cốt lõi, chẳng hạn như đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của khách hàng hay quản lý hoạt động kinh doanh hằng ngày, nhờ vậy đã tiết kiệm được rất nhiều tiền trong quá trình này.
Điện toán đám mây cho doanh nghiệp hiện đại
Theo ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, điện toán đám mây không chỉ là một hiện tượng về công nghệ, mà còn là một động lực tăng trưởng mang tính đổi mới giúp DN tiếp cận khách hàng theo những cách mới với sự linh hoạt về cơ sở hạ tầng và hiệu quả về chi phí của các môi trường điện toán đám mây cho doanh nghiệp.
“Trong những năm gần đây, IBM đang không ngừng chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách đầu tư vào các xu hướng công nghệ mang giá trị cao, như điện toán đám mây, công nghệ phân tích, các giải pháp di động và các giải pháp kinh doanh trên mạng xã hội. Việc bổ sung Softlayer vào danh mục các giải pháp điện toán đám mây của IBM là một bước đi lớn của Tập đoàn nhằm đưa điện toán đám mây đến với những thị trường mới, khách hàng mới ở mọi quy mô”, ông Tan Jee Toon chia sẻ.
Chi phí thấp hơn là một lợi ích thường được đề cập trong các cuộc trao đổi về điện toán đám mây. Điều đó có được là nhờ tính hiệu quả tất yếu của các mô hình điện toán đám mây, vốn dựa trên kỹ thuật ảo hóa để tận dụng các nguồn tài nguyên, các ứng dụng cấp phát tài nguyên và triển khai các dịch vụ cho người dùng dựa trên các đường truyền tốc độ cao.
Một môi trường điện toán đám mây cho doanh nghiệp có thể là môi trường điện toán đám mây riêng (private cloud), trong đó một DN tự vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng. Đó cũng có thể là môi trường điện toán đám mây công cộng (public cloud), trong đó một công ty mua dịch vụ từ một nhà cung cấp đảm nhiệm việc vận hành điện toán đám mây.
Hoặc đó cũng có thể là một môi trường điện toán đám mây lai (hybrid), trong đó một số dịch vụ được công ty tự phát triển, còn một số dịch vụ khác được mua từ một nhà cung cấp. Chìa khóa để tiết kiệm chi phí là biết được thế mạnh cốt lõi của tổ chức. Trong khi các DN lớn thường áp dụng mô hình điện toán đám mây riêng, các DN vừa và nhỏ thường cảm thấy những đám mây công cộng hấp dẫn hơn vì có thể tranh thủ được cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn của nhà cung cấp chuyên nghiệp.